top of page
  • Writer's pictureAdmin

Huấn từ của Cha Giuse Trần Thanh Công - Linh mục ĐH KBVN 17-10-2021.

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT – NGÀY 17.10.2021

Cơn đại dịch Covid 19 lần thứ 4 vừa “tràn qua” thành phố Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam đã để lại hậu quả vô cùng lớn. Từ khủng hoảng tinh thần cho đến khủng hoảng về kinh tế và nhất là sự mất mát về nhân mạng với hơn 2 vạn người. Trước nỗi đau của đồng bào, nhất là đội ngũ Y tế, lực lượng tuyến đầu, nhân dân, tu sĩ....Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra lời kêu gọi cầu nguyện “Xin ơn Chữa lành mùa đại dịch” đến tất cả các Giáo phận và giáo dân trong cả nước. Và đáp lời mời gọi, trong các thánh lễ Chúa nhật, ngày 17.10.2021, chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em là nạn nhân của Covid 19.

Cảm nhận :

“Linh hồn tôi không còn bình an, tôi quên niềm hạnh phúc, tôi lang thang phiêu bạt, tâm hồn tôi tan nát”. Có lẽ tác giả sách Aica cảm nhận khi phong ba cuộc đời ập đến với những khủng hoảng. Nhưng chính ông cũng nhận ra và ghi lại “tôi có niềm hy vọng, Thiên Chúa không chấm dứt lòng từ bi, tình thương Ngài không bao giờ cạn …” (xem Isaia 3, 17-18). Hẳn tác giả sách Aica trong bài đọc 1 đã cảm nhận sâu sắc điều đã xảy ra trong cuộc đời mình để ghi lại. Trong đại dịch vừa qua, chúng ta đã cảm nhận được gì? Tôi thích thú với vài ca từ trong một bài hát của thiếu nhi “đi một ngày đàng ta học một sàng khôn, đi hai ngày đàng ta được hai sàng khôn, đi nhiều ngày đàng ta được một túi khôn” có đúng vậy không thưa quý vị? Cảm nhận lòng nhân từ của Chúa trong nỗi đau tột cùng, điều đó đã trở nên niềm hy vọng cho tác giả Aica. Nỗi buồn sẽ biến thành niềm vui.


1. Chúng ta sang bờ bên kia :

Thánh Marcô đặt bối cảnh lời Chúa hôm nay sau hàng loạt các hoạt động của Chúa Giêsu, Ngài kêu gọi và quy tụ các tông đồ, thăm viếng và chữa lành bệnh nhân, Ngài giảng dạy nhiều điều. Mọi công việc đang trôi chảy, Đức Giêsu bảo “sang bờ bên kia” để mọi người được nghe Tin Mừng. Nhưng cái trớ trêu, đang lúc thầy trò êm ấm trên thuyền thì cuồng phong ập đến.

Sài Gòn ít ai ngờ tới như hôm nay, đã có nhiều ngày vắng lặng, có người chia sẻ với tôi “ban ngày vài chiếc xe lác đác của những người công tác, tiếng xe cứu thương cứ vội vã giữa phố thị không người, tiếng còi hú như mang mùi chết chóc. Tối đến nhìn Sài Gòn như đau thương, các hàng rào chắn, các dây giăng chắn chận như đang băng bó các vết thương, ngăn chặn sự lây lan bệnh tật trong huyết mạch nơi thân thể Sài Gòn. Như ai nói “Sài Gòn lúc này thấy hoa ít mà lệ nhiều, bởi số người chết đã lên đến 21.131 người, Sài Gòn hơn 16.000.

Chắc Sài Gòn mảnh đất lành, nên người khắp nơi từ Bắc chí Nam ùa về. Nhiều người bỏ quê đến bến bờ Sài Gòn, họ đóng góp khá lớn trong việc phồn vinh phố thị, nhưng chính họ đang là nạn nhân trong trận cuồng phong đại dịch. Mọi người đều đối diện với sự mỏng manh, yếu đuối, bệnh tật và chết chóc. Dòng người đang bươn chải từng ngày được Sài Gòn cưu mang, nay tất cả đều gặp đại nạn, thiếu thốn cái ăn, chỗ ở, mất việc. Có người mất cả người thân, họ ngơ ngác hoang mang, ở không nổi về không xong với chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó”. Các báo đài liên tục thông tin, chuyện chưa có tiền lệ, chưa bao giờ xảy ra, nên chẳng ai biết tiên liệu, không có ai có kinh nghiệm chống đỡ, tất cả đều lúng túng như tâm trạng của các tông đồ “chúng con chết mất”. Nhưng trong bối cảnh ấy, có người nhận ra sức mạnh của tâm linh. Đức Tổng Giuse trong buổi gặp gỡ anh em linh mục chúng tôi vào ngày tĩnh tâm các linh mục vừa qua, ngài chia sẻ: “Chính quyền đã nói, chúng tôi đã hết cách, xin quý vị có cách nào hiến kế? Như thế, trong đại dịch người ta có thể nhận ra mình giới hạn, nhỏ bé, mỏng manh, đồng thời họ cũng nhận ra Đấng làm chủ tất cả, dĩ nhiên không phải ai cũng nhận ra.

- Bão tố đã ập đến trong cuộc đời của các tông đồ, các ông đã chèo chống thế nào? Đã cậy dựa vào ai, đã thấy gì? Chúng ta có thể tìm câu trả lời trong Tin Mừng Marcô chương 4 câu 35-41.

- Giông tố đại dịch chúng ta vừa trải nghiệm, chúng ta đã thấy gì từ nỗ lực của con người? Chúng ta đã thấy lòng người ra sao? Chúng ta học được gì trong đại dịch ấy?

- Cuộc đời của mỗi người rất có thể dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, sóng gió có thể ập tới, vậy kinh nghiệm vừa trải nghiệm và lời Chúa hôm nay có giúp gì cho mỗi người?


2. “Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao?

Thưa anh chị em, câu hỏi của các môn đệ theo quý vị Đức Giêsu ở đâu khi các ông hoạn nạn? Ngài đang ở trên tàu. Vậy Ngài không chung chia số phận với các ông sao?

Đã có người đã gào lên và chất vấn Chúa ở đâu trong lúc chúng con gặp đại dịch? Tôi cảm nhận sâu sắc, Chúa đang hiện diện với chúng ta trong đại dịch đó, Chúa không ngủ và đang nói.

Tôi để ý đến một chi tiết nhỏ trong bài Tin Mừng nhưng đó là một gợi ý quan trọng. Chiếc tàu chỉ chạy được và đi đúng hướng nhờ bánh lái. Đức Giêsu đang ở đàng lái. Như vậy phải chăng hành trình ấy Ngài vẫn là chủ hướng đi. Sự đồng hành và lặng lẽ của Chúa Giêsu đến độ thiếu cái nhìn tinh tế, các môn đệ đã gào lên “chúng con chết mất Thầy không quan tâm sao”? Tất cả đều bất an chỉ có Chúa an bình, họ bất an vì họ chưa tin vào Chúa như Đức Giêsu chất vấn, “các con chưa có Đức Tin sao”. Vì là Đấng cầm lái và là Đấng làm chủ thiên nhiên, Đức Giêsu bắt sóng phải im gió phải lặng, Ngài đưa con thuyền vào đúng quỹ đạo của nó khiến các tông đồ thốt lên “Ngài là ai?”

Trong đại dịch Covid-19, với tôi Thiên Chúa vẫn đang cầm lái cho vũ trụ vạn vật, Thiên Chúa bẻ bánh lái mà con người đã sai trật trong định luật tự nhiên mà Ngài đã đặt để. Ngài bẻ bánh lái để mọi sự đi vào quỹ đạo. Trong đại dịch nhiều công ty trên thế giới, nhiều nhà máy sản xuất ngừng hoạt động, điều không ai có thể làm được, qua đó môi trường được cải thiện. Cái mà con người gọi là phát triển kinh tế, người ta tạo ra nhiều nhu cầu giả tạo, tiêu dùng và hưởng thụ, để thỏa mãn những nhu cầu ấy, con người khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, không còn ai điều khiển được nữa. Nhưng trong đại dịch, người ta không xa lạ với hướng dẫn “chỉ nhu cầu thiết yếu”, ai hiểu được, sống được, sống tối giản, họ bình an. Ai chưa hiểu được, họ vẫn tiếp tục sống bình thường cũ.

Chúa ở đâu? Với tôi, Chúa ở trong tâm trí của những nhà nghiên cứu khoa học, Ngài hướng dẫn lối đi để vượt qua Covid -19 “tiêm ngừa, khoảng cách, không tụ họp, …”.

Chúa ở đâu? Ngài hiện diện trong trái tim của những người dấn thân đích thực. Tôi dùng từ “dấn thân đích thực” như muốn nói sự thiện, tình yêu, trong lương tâm của con người thúc đẩy họ dấn thân, họ mang trái tim của Chúa, họ chăm sóc, an ủi và chữa lành… Họ có thể là nhà chức trách, công an, bộ đội, bác sĩ, y tá, các tình nguyện viên, … Tôi dùng cụm từ “dấn thân đích thực” như muốn nói có những người dấn thân nhưng không mang trái tim của Chúa. Họ đánh đập, vơ vét, tham lam, … Họ không dấn thân đúng nghĩa.

Chúa ở đâu? Ngài hiện diện trong những con người luôn bước đi trong trật tự tự nhiên, họ nghe lời thiện trong lương tâm, họ hy sinh ở trong nhà để tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm và không gây lây nhiễm cho người khác, không để một xã hội bất an, xáo trộn vì bệnh tật lây lan. Tắt một lời, Ngài hiện diện trong lòng mỗi người như Ngài hiện diện trên chiếc thuyền của các môn đệ.

Cầu nguyện cho tất cả mọi người dấn thân cho đại dịch, cho hơn 21.000 người chết, tôi thầm nghĩ, họ là nạn nhân của đại dịch, họ là nạn nhân của sự hướng dẫn thiếu hiểu biết và có thể họ là nạn nhân của chính họ. Nhìn đoàn người bỏ phố về quê tìm sự sống, họ vô cùng đau thương trong một thế giới đang đánh mất sự quân bình giữa thành phố và thôn quê, mất quân bình giữa khai thác thiên thiên đến cạn kiệt với tiêu dùng thừa mứa, mất quân bình giữa phố thị chen chúc và thôn quê vắng lặng đất mênh mông bạc trắng như không sức sống.

Trong những ngày này, cơn đại dịch tại Sài Gòn có vẻ lắng xuống, Thiên Chúa muốn đưa vạn vật về trật tự, liệu con người, xã hội có cái nhìn mới để có thể có một “bình thường mới?”

Một câu hỏi bỏ ngỏ để mỗi người chúng ta là những “nhân chứng” đích thực của biến cố lịch sử thành phố Sài Gòn. Mặt khác những nhân chứng có một niềm tin tuyệt đối vào Đức Kitô và trong trải nghiệm ấy mỗi chúng ta đều có “bài học đắt giá” cho riêng mình

Giuse TRẦN THANH CÔNG

Linh mục Đồng hành KBVN

3 views

TIN TỨC CHI TIẾT

bottom of page