top of page

CHÂN PHƯỚC

​ADOLPH KOLPING (AĐÔN KHÔI BÌNH)

Adolph-Kolping-1.jpg
Adolph-Kolping-2.jpeg

          Linh mục Kolping (Khôi Bình) sinh ngày 08-12-1813 tại làng Kerpen, cách thành phố Koeln khoảng 4 giờ đi bộ. Ngài là đứa thứ tư trong năm người con của ông Phêrô và bà Anna Khôi Bình. Gia đình Kolping rất nghèo, của ít con đông nhưng lại rất đạo đức. Người cha hiền từ đầu tắt mặt tối đi chăn cừu thuê quanh làng. Người mẹ và các con cặm cụi cày xới vài sào ruộng để có đủ lương thực cung cấp cho chín miệng ăn, vì có cả ông nội và chú Mi-ca-e ở chung. Được một  điều là cả gia đình rất hạnh phúc, trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm.

         Từ thuở lọt lòng mẹ, Kolping không được sức khoẻ dồi dào như các anh chị em khác. Nhưng bù lại, cậu bé Kolping rất sáng dạ, nghe đâu hiểu đó, đọc đâu nhớ đó. Do đó, mẹ và các anh chị gánh phần lao động chân tay để chú bé Kolping có thể sánh vai với các bạn cùng tuổi cắp sách đến trường làng. Vì ngoan hiền và học giỏi nên Kolping được ông giáo làng Statz thương yêu như con ruột và chính cậu bé cũng xem các con của thầy là cô Anna và cậu Karl như chị em trong cùng một gia đình. Cũng trong thời gian này, cậu là một lễ sinh đáng yêu của cha chính xứ Johannes Heyde. Chính cha đã tiên đoán về lòng nhiệt thành tông đồ của chú Kolping trong tương lai như sau: “Sẽ có ngày con được Thiên Chúa mời gọi làm những việc cao cả hơn”.

          Năm 13 tuổi, Kolping học xong bậc tiểu học. Nhưng vì gia cảnh quá nghèo, lại bị sự cố là cha xứ Heyde, chỗ dựa duy nhất, đã đi về với Chúa, nên cậu bé Kolping buộc phải ngưng việc đèn sách để học nghề nuôi thân. Cậu đã chọn nghề gọt đế giày may quai dép làm êm ấm bước chân người. Nhờ sáng dạ và đôi tay khéo léo, cậu đóng giày rất đẹp. Năm 19 tuổi cậu rời làng quê lên thành phố Koln tìm việc và được nhận làm công trong xưởng giày nổi tiếng của ông Beck. Sau một năm chăm chỉ làm việc để có tiền nuôi thân và giúp đỡ gia đình, thì một tin đau buồn nhất đã đến với cậu: Người mẹ thân yêu từ trần.

           Sau khi về quê chôn cất mẹ, cậu thanh niên Kolping đã trở lại Koeln để tiếp tục nghề nghiệp của mình. Với 4 năm cật lực lao động, anh Kolping đã bị bệnh phổi, ho ra máu vào tuổi đẹp nhất (tuổi 23). Anh về quê dưỡng bệnh một năm. Sau đó, anh quyết định trở lại việc bút nghiên. Năm 24 tuổi, anh bắt đầu lớp 6 bậc trung học của lứa tuổi 12. Vượt qua được những mặc cảm bình thường, anh Kolping đã học hành xuất sắc, được khen thưởng và tốt nghiệp trung học lúc 28 tuổi với thành tích rực rỡ chỉ trong vòng 3 năm rưỡi. Sau một tháng về quê tĩnh dưỡng, chàng thanh niên Kolping quyết định đi tu làm linh mục của Chúa. Chàng bắt đầu xuôi Nam vào trường đại học Munchen, rồi sau một năm, đổi sang đại học Bonn. Năm 31 tuổi, chàng sinh viên Kolping nhập đại chủng viện  Koeln để một năm sau, ngày 13-04-1845 (32 tuổi), tiến chức. Cũng ngày này, tân linh mục nhận được tin người cha thân yêu vừa ly trần, chưa kịp hưởng phép lành đầu tiên của người con áp út. Sau đó, linh mục Kolping được chỉ định làm cha phó thứ hai xứ Lorentius, vùng công nghiệp Wuppertal.

           Thời gian này, nước Đức chuyển mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, kéo theo bao thanh niên từ thôn quê ra thành thị kiếm sống. Họ được gọi là những người thợ bạn, nghĩa là những người thợ đã lành nghề nhưng không có nơi ăn ở ổn định. Năm 33 tuổi (1846) cha Kolping đã qui tụ được các thợ bạn trong giáo xứ làm thành “Hội Thanh Niên Công Giáo” và sau đó cha được các thợ trẻ bầu làm linh giám của hội. Quả là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”: chính cha Kolping, con nhà nghèo, lớn lên phải nghỉ học đi làm thợ đóng giày cho ấm êm những bước chân người, thì nay lại làm thầy cả, làm cha để lo cho con cái lao động được hồn an xác mạnh. Các thợ trẻ gọi linh mục Kolping bằng “BỐ” nghe rất thân thương.

           Năm 36 tuổi, cha nhận được bài sai làm phó xứ nhà thờ chánh toà Koeln. Cha tiếp tục phát triển Hội mặc cho vô vàn chống đối gièm pha. Cha hành động đủ mọi cách để bênh vực, nâng đỡ, đấu tranh cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh cho giới công nhân, thăng tiến thân phận người lao động. Cùng với Đức Giám mục Von Ketteler, cha đã đặt những viên đá đầu tiên góp công xây dựng nên GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO sau này. Cha luôn nhấn mạnh đến con tim, tấm lòng chứ không phải chỉ là đầu óc, trí não. Năm 40 tuổi, cha vận động, lạc quyên để xây cất một cư xá dành cho các thợ bạn, làm nơi ăn chốn ở nghỉ ngơi cho các người thợ trẻ. Cha giúp họ để họ có thể tự giúp lấy mình.

           Năm 49 tuổi (1862), sau thời gian phục vụ ở nhà thờ chính toà, cha Kolping được chuyển về coi xứ nhà thờ Minoriten gần đó, và tiếp tục sứ mạng Chúa giao. Ngày 22-04-1862, Đức Piô thứ IX phong cha làm  Đức Ông Quản lý Hội Đồng Tư Vấn Giáo Hoàng để ghi nhận công lao cao cả của cha đối với giới trẻ. Năm 51 tuổi (1864) cha được bầu làm Tổng Đồng Hành của Toàn Hội. Công việc liên lỉ nặng nề đã bào mòn thân xác vốn yếu ớt của cha. Cha lại ho ra máu và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 04-12-1865, tức là còn 4 ngày nữa mới tròn tuổi 52.

 

​Mộ của Cha Kolping nằm trong nhà thờ Minoriten tại thành phố Cologne, Đức Quốc

            Di hài của cha được chôn trước bàn thờ kính Thánh cả Giu-se trong nhà thờ Minoriten (phía phải). Lễ tuyên dương linh mục Kolping lên hàng Chân Phước được cử hành trọng thể tại đền thánh Phêrô vào ngày 27-10-1991 trong niềm hoan hỉ của toàn Hội Thánh và của các Gia đình Kolping khắp nơi. Năm 1996, nhân kỷ niệm 150 năm thành lập Cộng Đoàn Kolping Quốc tế, chính phủ Đức quyết định cho đúc một loạt đồng tiền loại 10 Mark có khắc nổi chân dung linh mục Adolph Kolping mà họ xem là nhà cải cách xã hội kiệt xuất của nước Đức vào tiền bán thế kỷ thứ 19.

            Kolping, một tấm gương sáng ngời cho Giáo Hội Công Giáo trong thời đại phong ba bão táp của chúng ta ở thiên niên kỷ thứ ba này, khi những bàn tay khối óc làm ra của cải vẫn cần đến những con tim đem lại ý nghĩa cho lao động.

bottom of page